Trong bếp của một gia đình người bạn tên Linh ở TX.Bến Cát (Bình Dương) có hai chai nước mắm hiệu Nam Ngư, một để ăn sống, một để nấu. Chủ nhà giải thích, ở đây không dùng loại này thì không biết mua nước mắm nào mà ăn. “Cả chợ hầu như chỉ có Nam Ngư bên cạnh vài nhãn hàng nữa nhưng chưa từng nghe tên nên không dám mua. Dù sao, hàng này cũng thấy quảng cáo trên ti vi nhiều, yên tâm hơn”, Linh giải thích.
Ở miền Trung, cái nôi của sản phẩm nước mắm truyền thống cách đây không lâu, nay nước mắm hóa chất công nghiệp cũng đang thay thế hoàn toàn. Tại chợ quê Cầu Hai (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), hỏi mua nước mắm, người bán lấy ra ngay chai nước chấm “Đệ Nhị” là “nước mắm để nấu”. Chị Bích đang mua nước mắm tại chợ Cầu Hai cho biết mấy năm trước chị hay dùng nước mắm truyền thống Mười Thu của Quy Nhơn, Bình Định nhưng mấy năm nay, ở chợ hầu như chỉ bán hàng Nam Ngư, Đệ Nhị, cao cấp hơn chút có Chin Su hương cá hồi, nên ai ai cũng chuyển hướng mua loại này.
“Riết quen vị, trong nhà lại không thích dùng nước mắm truyền thống mặn chát nữa”, chị Bích cho biết. Tại chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng), cô giáo Thúy Lan cũng cho biết gia đình cô dùng nước mắm Mỹ Tuyết, Nam Ô của Đà Nẵng, nhưng mùi hơi nặng và hơi khó nêm nếm nên “hai năm nay tôi chuyển mua Nam Ngư dùng. Loại đó mua đâu cũng có, rất dễ mua”.
Tại siêu thị Coop.Mart Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM), qua quan sát của PV, rất nhiều người đi mua nước mắm trong siêu thị với tay lấy chai nước mắm Nam Ngư mà không cần xem chi tiết. Khi được hỏi sao không đọc thành phần ngoài nhãn hàng, chị Hồng, đang bỏ hai chai nước mắm hiệu Nam Ngư và Hạnh Phúc vào xe đẩy, giải thích đơn giản: “Mấy loại này quen dùng lâu rồi, đọc làm chi nữa. Hàng này coi quảng cáo thấy nó trên ti vi cũng nhiều, ai cũng biết mà, đọc chữ nhỏ xíu không đọc được mà cũng chả hiểu gì đâu”. Theo chị Hồng, chai nhỏ 250 ml (49.000 đồng) nước mắm Hạnh Phúc dùng để ăn sống, còn Nam Ngư loại 1 lít (21.500 đồng) để nấu vì giá rẻ lợi hơn.
Giá là một trong những “vũ khí” khiến nước mắm công nghiệp thắng thế so với nước mắm truyền thống. Ví dụ, nước mắm Hạnh Phúc gần 200.000 đồng/lít, nước mắm 584 Nha Trang khoảng 160.000 đồng/lít trong khi nước mắm Nam Ngư chỉ có 43.000 đồng/lít...
Nước mắm là loại gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của các gia đình người Việt. Thế nhưng, nước mắm công nghiệp - sản phẩm sản xuất phần lớn bằng hóa chất, nước và muối... đã và đang 'nhấn chìm' nước mắm truyền thống.
Nhưng giá cả thường đi đôi với chất lượng, không ít bà nội trợ lớn tuổi vẫn soi độ đạm được công bố trên sản phẩm để lựa chọn. Ví dụ trên nhãn chai nước mắm 584 Nha Trang, thành phần được công bố gồm: cá cơm 79,7%, muối 20,1%, nước, chất điều vị và chất bảo quản; nước mắm cá cơm cốt nhĩ Hồng Hạnh cá cơm than 70%, muối, chất điều vị, chất tạo ngọt, đường, chất điều chỉnh độ a xít và phụ gia thực phẩm; trên chai nước mắm Hạnh Phúc có thành phần gồm: cá cơm 70%, muối ăn, nước, chất điều vị. Có thể thấy, những loại nước mắm công nghiệp đều có độ đạm cao từ 30 độ đạm trở lên thường giá cũng cao.
“Xu hướng thế giới đang trở về và khuyến khích thực phẩm organic, nên bất luận sản phẩm nào dùng quá nhiều hóa chất, đều cần cân nhắc. Có một lưu ý là chất màu tổng hợp HT155 mà một nhãn hàng nước mắm công nghiệp từng sử dụng và quảng cáo nhiều trên truyền hình trước đây thì tại nhiều quốc gia phát triển châu Âu và Mỹ cấm sử dụng trong thực phẩm từ lâu. Cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy, sử dụng chất này gây ung thư, song nhiều thông tin cho rằng nó có thể gây dị ứng với người bị hen suyễn, ảnh hưởng đến những người dị ứng với aspirin, thậm chí gây dị ứng da”, bác sĩ Ký nói.
Đáng nói, Nam Ngư được coi như “đại diện” cho nước mắm công nghiệp ngon, giá rẻ, được chuyên gia thực phẩm đếm cho chúng tôi xem có đến 17 hóa chất ngoài nước, muối, đường và tinh cốt cá cơm gồm: chất điều vị, chất bảo quản, hương cá hồi tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp, màu tự nhiên chiết xuất từ trái dành dành, chất điều chỉnh độ a xít, chất làm dày, màu tự nhiên… Đáng ngạc nhiên là ở các loại nước mắm Nam Ngư và Chin Su thì thành phần chính chỉ là “tinh cốt cá” và “hương cá” nhưng không ghi rõ là bao nhiêu.
Mang những chai nước mắm an toàn đã được dán kín thương hiệu đến hỏi nhà chuyên môn để đọc những thành phần. Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía nam của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm phía VN, nhận xét: “Việc một sản phẩm không để rõ hàm lượng bao nhiêu là cách đánh đố người tiêu dùng. Nếu chỉ ghi có “tinh cốt cá cơm” thì một giọt cũng coi như đã có rồi. 1 giọt tinh cốt cá cơm đó nếu có, nhỏ vào trong 1 lít nước mắm hay cả chục lít chẳng hạn, thì chất lượng “cá cơm” ở đâu? Việc một chai nước mắm mà phụ gia có đến 17 loại có thể ví như hành động đong nước hòa hóa chất để bán lấy tiền chứ sao gọi là nước mắm”.
Theo bác sĩ Ký, các phụ gia này tất nhiên được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Là hóa chất nhưng đã tạo vị ngon thật, nó làm hình thành một gu, thói quen dùng nước mắm trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, một chai nước mắm 0,5 lít mà có đến 17 hóa chất là quá nhiều bởi đây là loại thực phẩm dùng hằng ngày.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét